HỘI NGHỊ CẤP CAO APEC – NƠI KHỞI XƯỚNG Ý TƯỞNG CHO CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG

Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989 tại Canberra, Australia bởi 12 thành viên, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời thắt chặt các mối quan hệ trong cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương.

APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên, với khoảng 2,8 tỷ dân và đóng góp 43 nghìn tỷ USD tổng GDP, 20 nghìn tỷ USD thương mại quốc tế; tương đương khoảng 39% dân số thế giới, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.

APEC đối với Việt Nam

Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998 và diễn đàn này đã đem lại lợi ích cũng như góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao, việc tham gia APEC góp phần vào nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương của Việt Nam.

Việc tham gia APEC còn góp phần nâng cao nội lực đất nước. APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC đã thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam đối với các đối tác APEC.

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức APEC vào năm 2006, với hơn 100 hoạt động. Hàng chục hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế APEC đã được ký kết. Sự kiện này cũng quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, đổi mới, năng động và mến khách.

Năm nay, tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham dự của hơn 10.000 đại biểu quốc tế, trong đó có lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu khu vực và trên thế giới cũng như đại diện của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn.

Chủ đề năm APEC 2017 tại Việt Nam là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Việt Nam đề xuất 4 hướng ưu tiên lớn là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

An Ninh cho tuần lễ APEC

Để đảm bảo an ninh cho sự kiện quan trọng này, hơn 500 lính cứu hỏa, 800 cảnh sát giao thông và 1.500 cảnh sát cơ động, đặc nhiệm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại Đà Nẵng.

Tiểu ban An ninh-Y tế đã quán triệt đến toàn thể các thành viên tiểu ban, lực lượng công an, quân đội, y tế và lực lượng có liên quan về công tác bảo vệ an toàn cho Tuần lễ Cấp cao.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó công tác nắm tình hình liên quan đến an ninh trật tự là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tiểu ban An ninh-Y tế đã phối hợp xây dựng, triển khai hàng trăm phương án, kịch bản bảo vệ Tuần lễ Cấp cao. Chủ động phương án xử lý khi phát sinh tình huống phức tạp, bất ngờ.

Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành phương án bảo vệ cho sự kiện quan trọng này. Bố trí, phân công hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tại các địa điểm bảo vệ. Tăng cường lực lượng, phương tiện của Công an Đà Nẵng, nhất là lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông.

Đồng thời, huy động lực lượng ở các địa phương có liên quan kết nối, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự; phối hợp chặt chẽ với quân đội, y tế, ngoại giao và TP. Đà Nẵng để tổ chức lực lượng, phương tiện phục vụ bảo vệ Tuần lễ Cấp cao.

Tiểu ban cũng đã tổ chức tốt công tác hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề về an ninh chung để phòng ngừa, ngăn chặn từ xa âm mưu hoạt động khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Làm việc với nhiều đoàn tiền trạm quốc tế phục vụ bảo vệ lãnh đạo các nền kinh tế, các trưởng đoàn tham dự sự kiện.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết thêm, Tiểu ban An ninh-Y tế đang tích cực, nỗ lực, khẩn trương triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm sau:

Tập trung dự báo, đánh giá, nắm chắc tình hình, rà soát điều chỉnh các phương án bảo vệ phù hợp với những diễn biến mới và sự điều chỉnh chương trình, kịch bản tổ chức Tuần lễ Cấp cao của Ủy ban Quốc gia APEC.

Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trên toàn quốc. Hoàn thiện cơ chế chỉ huy, chỉ đạo, thông tin báo cáo, phối hợp với các lực lượng xử lý mọi tình huống đột xuất trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao.

Sẵn sàng xử lý các tình huống liên quan đến an ninh, y tế như nguồn nước, phòng chống dịch bệnh, môi trường, thiên tai, các tình huống phức tạp có thể xảy ra ảnh hưởng đến hội nghị. Tính toán các phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra những sự cố liên quan đến thiên tai và thời tiết không thuận lợi.

Vận hành thông suốt trung tâm chỉ huy của Tiểu ban An ninh-Y tế và trung tâm chỉ huy của Công an Đà Nẵng, kết nối với trung tâm chỉ huy của Bộ Quốc phòng đặt tại Quân khu 5. Tổ chức chỉ huy, chỉ đạo thống nhất trực ban, trực chiến ở mức cao nhất.

Tiểu ban An ninh-Y tế tiếp tục triển khai phương án bố trí, phân công lực lượng bảo vệ các mục tiêu, trong đó phối hợp chặt chẽ lực lượng quân đội bảo vệ các sân bay quốc tế, đặc biệt là sân bay quốc tế Đà Nẵng, các mục tiêu trọng điểm, bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, rà soát bom, mìn, khống chế điểm cao, chế áp di động, xử lý vật thể bay không người lái.

HOTLINE: 0938 307 662

error: Content is protected !!